Số hóa chợ truyền thống phục vụ người dân trong tình hình mới
Chợ truyền thống – mô hình cung cấp nhu yếu phẩm quen thuộc của người dân dần được số hoá, phát triển dưới hình thức online, kế thừa thế mạnh vốn có.
Khi Covid-19 xuất hiện, chị Nguyễn Minh Vân, 35 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM, nhận thấy mình là người nhanh nhạy thích nghi. Thời điểm Sài Gòn giãn cách, chị chuyển qua đi chợ trực tuyến. Với một chiếc điện thoại thông minh, chị thuận lợi mua sắm thực phẩm cho gia đình 6 người. Công việc nội trợ không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển sự nghiệp của người mẹ trẻ.
Trong tình hình mới, cả nước thực hiện chủ trương mở cửa các ngành, hồi phục nền kinh tế, chị Vân vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống mua sắm thực phẩm cho cả gia đình. Gia đình chị sống gần chợ Võ Thành Trang, nơi bán hàng 24/24, đông đúc nhất vào tầm 3-4h sáng mỗi ngày.
Với chị, chợ truyền thống là lựa chọn hàng đầu của người Việt khi mua sắm thực phẩm bởi sự đa dạng hàng hoá được bày bán ở chợ. Thịt cá tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ dùng gia đình, hay các loại mặt hàng như nhang đèn, giấy tờ vàng mã đều có thể được tìm thẩy ở chợ truyền thống.
“Đối với các mặt hàng thủy hải sản thì mua ở chợ bao giờ cũng tươi ngon. Giá thủy hải sản thường rẻ hơn trong siêu thị. Tại chợ, tôi cũng dễ dàng mua thịt gà ta, chọn con ưng ý để người ta thịt tại chỗ”, chị Vân thông tin.
Không chỉ chất lượng sản phẩm ở chợ được đảm bảo, giá cả mặt hàng cũng duy trì ở mức bình ổn, không quá cao để đại đa số người tiêu dùng có thể mua sắm.
Nhận xét mô hình chợ truyền thống, đại diện Sở Công thương TP HCM cho biết, Covid-19 xuất hiện, cùng với sự phát triển của công nghệ, kênh mua sắm tại các chợ truyền thống) gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh của các kênh phân phối khác. Dịch bệnh góp phần hình thành xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn có vai trò quan trọng trong kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.
Chợ truyền thống chứa những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, theo sự phát triển của công nghệ và ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi và chuyển biến rõ rệt. Chợ truyền thống không còn là mô hình tối ưu trong thời đại mới.
Theo báo cáo Thương mại điện tử quý II do iPrice công bố, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu mùa dịch. Trong giai đoạn dịch bùng phát tại địa bàn TP HCM, chợ truyền thống bị đóng cửa, khiến việc buôn bán của tiểu thương gặp khó khăn, ảnh hưởng thu nhập. Người dân cũng gặp trở ngại trong việc mua sắm lương thực.
Thấu hiểu được tình hình đó, “Chợ trực tuyến” ra đời trên ứng dụng Utop, trở thành cầu nối gắn kết tiểu thương, người dân, giúp việc cung ứng nhu yếu phẩm trở nên dễ dàng hơn.
Chợ trực tuyến là mô hình số hoá của chợ truyền thống, nên mô hình này kế thừa, phát triển những đặc điểm của chợ truyền thống, nhằm phù hợp với xu thế tiêu dùng mới.
Cụ thể, tiểu thương chợ truyền thống được hỗ trợ tạo gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Utop, do đó, các mặt hàng được bày bán ở chợ truyền thống cũng bày bán ở chợ trực tuyến. Đảm bảo cung ứng đa dạng hàng hoá đáp ứng nhiều nhu cầu của người tiêu dùng. Những sản phẩm đặc thù chỉ có ở chợ truyền thống như gia vị tươi, vàng mã, đồ cúng, đồ gia dụng hay các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng dễ dàng được tìm thấy ở chợ trực tuyến.
Dưới góc độ mua hàng, người tiêu dùng có thể tìm thấy những những sạp hàng quen thuộc tại chợ truyền thống, thay vì phải trực tiếp ra chợ, nay ngồi nhà cũng có thể mua được hàng từ mối quen.
Ngoài ra, để đảm bào chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhân viên Utop luôn trực tiếp kiểm tra về số lượng, chất lượng của sản phẩm. Mặt hàng không đạt yêu cầu sẽ được trả về cho tiểu thương. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về thực phẩm mình mua.
Với ứng dụng Utop, người dân có thể thanh toán online hoặc tiền mặt. Bởi lẽ, nhân viên vận hành của Utop tại chợ sẽ tiếp nhận đơn hàng từ người dân, kiểm tra chất lượng mặt hàng nhận từ tiểu thương, giao hàng cho khách.
Bên cạnh đó, thông thường, vào thứ 4,5 hàng tuần, Utop thực hiện chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng về mặt chi phí, giúp người dân tiết kiệm hơn trong việc mua sắm hàng ngày.
Hiện tại, chợ trực tuyến đang tiến hành triển khai rộng rãi tại các quận ở TP HCM, số hoá được hơn 20 chợ truyền thống trên địa bàn, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hơn. Ngoài ra giúp tiểu thương có thêm mảng kinh doanh mới.
Lê Nguyễn (VnExpess)